Ý tưởng đổi mới hệ thống tòa án trong công cuộc cải cách tư pháp của ngành toà án

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng công cuộc cải cách tư pháp là cơ hội để ngành tòa án đổi mới hệ thống, thay đổi chất lượng công tác ngành.

Chiều 15-2 vừa qua, TAND Tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên đề “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì và trực tiếp trình bày chuyên đề này.
           
Cơ hội của ngành tòa án
Một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp, theo Chánh án TAND Tối cao là xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp và chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Từ đó, nhiệm vụ tiếp theo được đặt ra là hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp.
Vì vậy, nội dung được ông Nguyễn Hòa Bình đề cập sâu tại hội nghị liên quan tới nhu cầu sửa đổi Luật Tổ chức TAND 2014, qua thực tiễn gần 10 năm tổ chức thi hành (Hiến pháp 2013 quy định tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp – PV). Ông cho rằng đây là cơ hội của ngành tòa án.
“Tất cả cuộc cải cách, lĩnh vực nào cũng thế thôi, căn cốt của việc đổi mới dựa trên hai trụ cột. Một là tổ chức bộ máy và nhân sự phải sắp xếp lại như thế nào; hai là các phương thức, cách thức hoạt động thế nào để cho hiệu quả tốt nhất.
Nếu không nắm bắt, tận dụng cơ hội này, chúng ta đã bỏ lỡ một dịp rất quan trọng để biến đổi chất lượng công tác của ngành” – Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.
Nghiên cứu gọi tên hệ thống tòa án theo cấp xét xử
Trên cơ sở Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cũng như từ thực tiễn ngành, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh các nguyên tắc tổ chức: Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không theo đơn vị hành chính; tăng cường tính độc lập giữa tòa án các cấp; vụ án đặc thù phải được xét xử bằng tòa án chuyên biệt và quy mô phải phù hợp với khối lượng, tính chất công việc.
Các cấp tòa án hiện được gọi tên gồm TAND Tối cao, TAND Cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Nay với tinh thần cải cách, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị nghiên cứu việc thay đổi tên gọi các cấp tòa án cho đúng bản chất cấp xét xử.
“Chúng tôi xin ý kiến các đồng chí, chúng ta gọi là TAND Tối cao, TAND Cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, tức là theo cấp xét xử” – ông Bình đặt vấn đề và cho rằng cách gọi TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như hiện nay vô hình trung đã “hành chính hóa” tòa án.
Chánh án cho biết quá trình thảo luận cũng có ý kiến đề nghị giữ theo như quy định hiện nay, tuy nhiên theo ông, đó không phải là tinh thần đổi mới.
Trình bày tiếp về dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức TAND 2014, ông Nguyễn Hòa Bình đề xuất TAND Tối cao cơ bản vẫn giữ nhiệm vụ, thẩm quyền như hiện nay, chỉ tổ chức lại bộ máy giúp việc tinh gọn hơn. Còn TAND Cấp cao sẽ thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực pháp luật của “TAND phúc thẩm” và “TAND sơ thẩm”; đồng thời xét xử phúc thẩm các bản án của “TAND sơ thẩm” chuyên biệt bị kháng cáo, kháng nghị.
TAND cấp tỉnh hiện nay, ngoài việc dự kiến sẽ đổi tên là “TAND phúc thẩm” cũng sẽ được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, tòa này thực hiện xét xử phúc thẩm các bản án của “TAND sơ thẩm” bị kháng cáo, kháng nghị.
“Những cái gì thuộc tòa chuyên biệt sơ thẩm thì ông tòa này không xử phúc thẩm nữa” – Chánh án TAND Tối cao nêu ý tưởng việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức TAND 2014.
Trong khi đó, TAND cấp huyện được đề xuất gọi là “TAND sơ thẩm”. Tòa sơ thẩm có hai loại, một là sơ thẩm như hiện nay; hai là thành lập các tòa chuyên biệt.

Nguồn: Theo PLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *