Vì sao nên chọn hòa giải trong tranh chấp thương mại

Hiện nay, tình trạng quá tải trong giải quyết tranh chấp thương mại là vấn đề bức xúc của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy, trong các phương thức giải quyết ngoài tòa án thì hòa giải thương mại là phương thức rất đáng quan tâm, lựa chọn.

Một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chính là hòa giải thương mại. Cùng với thương lượng và trọng tài, hòa giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội so với tố tụng tòa án.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích, sở dĩ hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến hiện nay vì thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự. Các doanh nghiệp (DN) có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh các thủ tục pháp lý phức tạp. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các DN cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng.

Một ưu điểm lớn nữa của phương thức này là các DN tự quyết định việc giải quyết tranh chấp và luôn biết trước kết quả. Trong quá trình hòa giải, với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên sẽ có cơ hội được đưa ra quyết định của mình về phương án giải quyết tranh chấp. Đây là ưu thế nổi trội của phương thức hòa giải so với các phương thức tố tụng khác, vốn khó lường trước được kết quả. Mặt khác, hòa giải mang tính thân thiện rất cao. Thông qua hòa giải, các DN có điều kiện thể hiện thiện chí, hiểu và thông cảm nhau hơn, giúp họ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ kinh doanh, đối tác.

Quan trọng hơn, hòa giải là một quá trình không công khai. Đây là tiêu chí được nhiều DN quan tâm. Với việc giải quyết thông qua hòa giải, tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra công chúng, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của DN. Thông tin liên quan đến hòa giải cũng được giữ bí mật, trừ khi có quy định khác của pháp luật.

Bên cạnh tính ưu việt của hòa giải thương mại, ông Vũ Ánh Dương cũng cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích giải quyết tranh chấp hòa giải, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng hòa giải, đặc biệt là lựa chọn phương thức hòa giải.

“Việc ban hành Nghị định hòa giải thương mại và Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó” – ông Dương nói.

Theo bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường – Tài chính, nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã có bước đi quan trọng trong việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới về giải quyết tranh chấp thương mại bằng cả hòa giải và trọng tài. “Chúng ta có cơ chế khá tiến bộ, có cả 1 Chương về vấn đề thi hành, có Luật về trọng tài thương mại và Nghị định về hòa giải thương mại. Đây là bước tiến quan trọng và tiếp theo sẽ là việc đưa vào thực thi trong thực tiễn…Và để sử dụng các quá trình hòa giải thương mại này doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các trọng tài viên có năng lực. Điều này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực hòa giải thương mại” – bà Nina Mocheva nhận định.

Cùng với đó, bà Nina Mocheva cũng lưu ý, kinh nghiệm của nhóm ngân hàng thế giới về hòa giải thương mại ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, khi bắt đầu áp dụng hòa giải thương mại cộng đồng những người làm luật có thể miễn cưỡng, tuy nhiên cần thời gian để vượt qua sự ngần ngại và do dự này. “Việt Nam đang ở giai đoạn “trứng nước”, do đó quan trọng là phải xây dựng được uy tín, khẳng định vị thế”.

Nguồn: Theo PLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *