CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI THÀNH

 

Giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành

Trong quá trình hòa giải thương mại, nếu các bên tranh chấp hòa giải thành về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh, Hòa giải viên thương mại sẽ lập Văn bản về kết quả hòa giải thành.

Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, “hiệu lực thi hành đối với các bên” ở đây mới chỉ có ý nghĩa là “ràng buộc các bên” như thỏa thuận hợp đồng. Trường hợp một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng như kết quả hòa giải thành, thì bên đó cũng mới chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý như đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khác. Bên kia chưa thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành kết quả hòa giải thành.

Nhưng kết quả hòa giải thành thông qua hòa giải thương mại khác các thỏa thuận hợp đồng thông thường ở chỗ nó có thể được Tòa án công nhận bằng một thủ tục khá gọn nhẹ để được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận mới có thể được cưỡng chế thi hành

Khi đạt được kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên có thể tự nguyện thực hiện kết quả hòa hòa giải thành đó mà không phải thực hiện thêm bất cứ một thủ tục nào. Tuy nhiên, để bảo đảm rằng mỗi bên sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo kết quả hòa giải thành, các bên cũng có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành đó. Kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được Tòa án công nhận có thể được cưỡng chế thi hành như bản án có hiệu lực của Tòa án hay Phán quyết trọng tài. Kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án công nhận

Thời hiệu yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thương mại thành là 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Do vậy, nếu không có bên nào nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thương mại thành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Văn bản về kết quả hòa giải thành được lập thì các bên mất quyền yêu cầu.

Tuy nhiên, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện này phải được đưa ra trước khi Tòa án có thẩm quyền ra quyết định giải quyết yêu cầu; bên được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Điều kiện để được Tòa án công nhận

Để được Tòa án công nhận, kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
  3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
  4. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Trong các điều kiện công nhận nêu trên, Tòa án sẽ đặc biệt quan tâm đến điều kiện nội dung thỏa thuận hòa giải thành “không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”.

Tòa án có thẩm quyền công nhận

Công nhận kết quả hòa giải thương mại thành là việc dân sự, thuộc thẩm quyền vụ việc của Tòa án theo quy định tại khoản 7 Điều 27 BLTTDS 2015. Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thương mại thành là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên yêu cầu là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi bên yêu cầu là doanh nghiệp đặt trụ sở. Tuy nhiên, bên yêu cầu còn có quyền lựa chọn Tòa án nơi bên bị yêu cầu có tài sản giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thương mại thành.

Như vậy, nếu bên yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thương mại thành là doanh nghiệp, có trụ sở tại các quận thuộc TP. Hà Nội, thì Tòa án nhân dân trên địa bàn các quận thuộc TP. Hà Nội có thẩm quyền giải quyết việc này. Trường hợp bên khác (bên bị yêu cầu) (bất kể có trụ sở ở đâu), ví dụ như có tài sản ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thì bên yêu cầu có thể chọn Tòa án nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam giải quyết yêu cầu.

Trường hợp nhiều bên hoặc các bên đều yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thương mại thành thì các bên yêu cầu có thể chọn một trong số các Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thủ tục công nhận tại Tòa án

Bên yêu cầu phải nộp “Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành” đến Tòa án có thẩm quyền. Hiện không có mẫu đơn riêng cho việc này được ban hành, nên Trung tâm REECMC căn cứ các quy định pháp luật để lập mẫu đơn nhằm hỗ trợ các bên hòa giải thành tiến hành thủ tục công nhận khi có nhu cầu.

  • Tham khảo mẫu đơn yêu cầu công nhận hòa giải thương mại

Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành thực hiện theo quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự. Kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án có 15 ngày để chuẩn bị và ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu; trong thời hạn 10 ngày tiếp theo Tòa án mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Người tham gia phiên họp và thủ tục tiến hành phiên họp theo quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự, theo đó tham gia phiên họp còn có Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

Thẩm phán ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành khi có đủ hoặc không có đủ các điều kiện như nêu trên. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

  • Tham khảo mẫu quyết định công nhận kết quả hòa giải thành
  • Tham khảo mẫu quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành

Tuy nhiên, việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành. Còn quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.