Phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong kinh doanh thương mại

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, việc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp là việc không thể tránh khỏi. Vậy có thể giải quyết những tranh chấp trong kinh doanh thương mại bằng những hình thức nào?

Theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong 04 phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp đó. Bốn phương pháp bao gồm: Thương lượng; Hòa giải; Tòa án hoặc Trọng tài. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về phương thức “Hoà giải” thông qua bài viết này.
Cơ sở pháp lý
Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015;
Luật Thương mại năm 2005;
Luật Trọng tài Thương Mại 2010;
Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.
Luật Hoà giải ở cơ sở 2013
Nghị định 22/2017/NĐ-CP, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải.
Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải được sự tin tưởng của các cá nhân, tổ chức vì là một trong những biện pháp tối ưu nhất, cũng như mang lại hiệu quả cao. Vậy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có những ưu điểm nào vượt trội so với những phương thức khác?
Thứ nhất, các bên tranh chấp được quyền đưa ra quyết định đối với kết quả của việc giải quyết tranh chấp, không phụ thuộc vào ý chí của những chủ thể khác. Có thể hiểu rằng, các bên trong hòa giải lại là những người đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết tranh chấp của chính họ.
Thứ hai, toàn bộ thông tin được các bên chia sẻ trong suốt quá trình hòa giải sẽ hoàn toàn được bảo mật, đồng thời không được sử dụng làm chứng cứ tại Tòa án.
Thứ ba, Hòa giải tranh chấp giúp các bên tranh chấp giữ được mối quan hệ tốt, ngoài ra còn có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên sau phiên hòa giải. Dưới sự tư vấn của Hòa giải viên, các bên trong phiên hòa giải sẽ trực tiếp đối thoại với nhau, chỉ rõ sự bất đồng giữa họ và cùng nhau tạo cơ hội để hiểu thêm về đối phương. Từ đó, cùng nhau đưa ra kết quả cuối cùng có lợi cho các bên.
Thứ tư, Hòa giải là một cách giải quyết tranh chấp tự nguyện, linh hoạt, không bị áp đặt về mặt ý chí. Xuyên suốt quá trình hòa giải, các bên được tự do quyết định việc tham dự phiên hòa giải của mình mà không chịu bất kỳ sức ép nào khác. Bên cạnh đó, môi trường tiến hành hòa giải cũng thân thiện và tạo cảm giác thoải mái hơn việc tham gia tố tụng tại Tòa án.
Thứ năm, Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp mang lại hiệu quả tối ưu về mặt thời gian và tiết kiệm chi phí. Thời gian hòa giải dựa vào tiến trình làm việc của các bên, chi phí chuẩn bị cho phiên hòa giải  phụ thuộc vào biểu phí, quy tắc riêng của từng tổ chức hoà giải nhưng nhìn chung sẽ ít tốn kém hơn so với việc làm các thủ tục liên quan đến tố tụng tại Tòa án.
Nguồn: ST

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *