Bộ Tư pháp bảo lưu nguyên tắc 1 quốc tịch

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch trong một số trường hợp.

Bộ Tư pháp mới đây công bố tài liệu họp đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023. Một trong những luật được cơ quan này đề cập là luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Nguyên tắc 1 quốc tịch là chủ đạo, xuyên suốt
Theo Bộ Tư pháp, có ý kiến đề nghị nghiên cứu tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch. Trong số này gồm trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài được quyền đăng ký khai sinh tại Việt Nam và xác định quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định tại Nghị định số 16/2020 về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài như hiện nay là không khả thi, cần xem xét.

Giải đáp, Bộ Tư pháp cho biết, điều 4 luật Quốc tịch quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác.

Nguyên tắc 1 quốc tịch nêu trên là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay, luôn được hiểu, áp dụng thống nhất và đồng nhất với khái niệm “công dân Việt Nam” (là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam).

Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam và cơ quan nhà nước Việt Nam chỉ có thẩm quyền quy định, công nhận, xác nhận quốc tịch Việt Nam. Việc một người có quốc tịch quốc gia nào đó phải do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó quyết định theo pháp luật của quốc gia mình.

“Quy định có tính nguyên tắc này không nên hiểu hay diễn giải là Việt Nam công nhận hai hay nhiều quốc tịch”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Để đảm bảo quyền có quốc tịch của trẻ, pháp luật quốc tịch Việt Nam đã có các quy định giải quyết cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài. Theo đó, trẻ được giải quyết có quốc tịch Việt Nam nếu cha mẹ có sự thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con vào thời điểm đăng ký khai sinh. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc một quốc tịch tại điều 4 của luật Quốc tịch, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền có quốc tịch của trẻ.

Vẫn theo Bộ Tư pháp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 5,3 triệu người. Từ năm 1993 đến 2020, chỉ có hơn 212.000 người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài và một phần nhỏ trong số này có nguyện vọng được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thay đổi chế định về quốc tịch (đặc biệt là sửa đổi nguyên tắc quốc tịch) thường chỉ đặt ra khi có thay đổi lớn về thể chế chính trị hoặc bước phát triển đặc biệt của đất nước.

Với Việt Nam, việc duy trì chính sách pháp luật về quốc tịch như hiện nay là phù hợp, nhất là trong điều kiện dân số đông (đứng thứ 15 trên thế giới) nhưng lại có diện tích khiêm tốn (đứng thứ 65 trên thế giới).

Nguồn: Theo báo Thanh Niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *